Xe tăng M1A1 Abrams từ lâu đã được coi là biểu tượng chiến thắng, cỗ máy bất khả chiến bại của Mỹ. Tuy nhiên, những đòn tấn công chính xác của kíp xe tăng T-72B3 của Nga ở chiến trường Ukraine đã khiến huyền thoại về sự vượt trội của xe tăng Mỹ hoàn toàn bị đập tan.

Chuyên gia quân sự Alexander Bartosh nói với tờ “Tầm nhìn (Vzglyad)” của Nga rằng, các nước phương Tây giờ đây sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi gửi lô vũ khí mới cho Quân đội Ukraine, vì nó quá “mỏng manh” trước các loại vũ khí của Nga.

“Khi xem xét câu chuyện xe tăng Abrams của Ukraine bị tổ lái T-72B3 của Nga tiêu diệt, cần chú ý đến hai khía cạnh. Chúng ta đang nói về một chiến thắng về mặt truyền thông, khi từ lâu phương Tây đã vẽ nên bức tranh về một cỗ máy bất khả chiến bại, gần như không thể loại bỏ được;

Chúng tôi đã phá bỏ huyền thoại này và giờ đây các đơn vị chiến đấu, nhờ các hành động khéo léo và phối hợp, đã củng cố được thành công của mình”, chuyên gia Alexander Bartosh, thành viên của Viện Khoa học Quân sự Nga cho biết.

“Thứ nhất, qua việc xe tăng Nga hạ xe tăng Mỹ, sẽ giúp tinh thần của binh lính Nga được nâng cao, tin tưởng hơn vào vũ khí của Nga. Đồng thời, chiến công của những người đồng đội sẽ truyền cảm hứng cho họ đạt được những chiến công mới, phủ nhận mọi lo ngại về vũ khí phương Tây được ca tụng.

Thứ hai, những gì đã xảy ra cũng là một thành tựu to lớn của vũ khí Nga. Về mặt kỹ thuật, xe tăng T-72B3 thuộc thế hệ cũ hơn M1A1 SA Abrams; nhưng điều này không làm kíp xe T-72B3 kém hơn, mà còn ngang bằng và loại được đối thủ”, chuyên gia Bartosh nhấn mạnh.

“Chúng tôi một lần nữa cho cả thế giới thấy rằng, xe tăng Nga không kém bất kỳ loại xe tăng nào của phương Tây. Sự thành công của các nhà thiết kế và tính chuyên nghiệp cao của kíp xe đã giúp đạt được kết quả tốt ở chiến trường, khi xe tăng Mỹ bị trúng đòn chính xác nhất, không có cơ hội phục hồi”, vị chuyên gia làm rõ.

“Việc những chiếc xe tăng M1A1 SA Abrams của Ukraine liên tiếp bị tiêu diệt ở chiến trường Ukraine, về mặt nào đó sẽ có tác động đáng lo ngại đối với các nước phương Tây và đặc biệt là Mỹ. Giờ đây, trước khi gửi vũ khí cho Ukraine, họ sẽ suy nghĩ kỹ về hậu quả của quyết định này, bởi vì uy tín kỹ thuật của họ cũng sẽ bị đe dọa”, chuyên gia Bartosh kết luận.

Trước đó, một xe tăng T-72B3 của Nga đã tiêu diệt một xe tăng M1A1 Abrams của Ukraine ở mặt trận Avdiivka; thông tin này đã được viết trên kênh Telegram chính thức của Bộ Quốc phòng Nga. Điều nhấn mạnh là kíp xe tăng Nga đã tiêu diệt đối phương ngay từ viên đạn đầu tiên.

Còn chuyên gia David Axe của chuyên mục quân sự tạp chí Forbes đã có bài viết về điều này vào ngày 13/3, đưa ra một số chi tiết cho biết, những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây sản xuất, như Challenger-2, Leopard-2 và M-1A1 Abrams, là “mục tiêu ưu tiên” của quân Nga.

Axe cho biết thêm, trong tổng số 31 chiếc M1A1 SA Abrams được Mỹ bàn giao cho Ukraine vào mùa thu năm 2023, nhưng chỉ qua 20 ngày tham chiến, người Nga đã phá hủy 4 chiếc Abrams và bắn hỏng ít nhất một chiếc nữa và cũng chưa rõ có bao nhiêu thành viên tổ lái (một xe có 4 người), trên mỗi xe tăng còn sống sót?

Hiện tại, tên lửa dẫn đường chống tăng của Nga dường như là sát thủ chính của xe tăng M-1A1 của Ukraine. Nếu đúng như vậy thì đây là một lập luận thuyết phục, ủng hộ việc trang bị hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa cho xe tăng Abrams. Nhưng hãy nhớ, hiện có nhiều cách khác để tiêu diệt xe tăng, chuyên gia Axe cho biết.

Axe nói rõ rằng, Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 47 là đơn vị sử dụng xe M1A1 SA Abrams duy nhất trong Quân đội Ukraine hiện nay. Vào khoảng ngày 26/2, chiếc Abrams đầu tiên đã bị phá hủy bằng UAV tự sát FPV, UAV đánh trúng khoang chứa đạn của xe tăng.

Chiếc Abrams thứ hai bị tiêu diệt vào khoảng ngày 3/3 theo đúng nghĩa đen, khi quả tên lửa chống tăng Kornet đầu tiên bắn trúng phần được bảo vệ tương đối yếu của thân xe tăng và xuyên qua lớp giáp bảo vệ động M-19 đi kèm.

Các loại đầu đạn của tên lửa Kornet đều là đầu đạn nối tiếp, đầu nổ thứ nhất xuyên qua lớp giáp xe và đầu nổ thứ hai phát nổ bên trong xe tăng, khiến chiếc Abrams này bất động. Quả tên lửa Kornet thứ hai đánh trúng tháp pháo, ngay sau đó là một chiếc UAV FPV tiếp tục tấn công, khiến chiếc Abrams nặng 69 tấn bốc cháy.

Chiếc Abrams thứ ba đã bị phá hủy vào khoảng ngày 10/3 do trúng tên lửa chống tăng phóng qua nòng của chiếc tăng T-72B3 của Nga, xe bốc cháy và sau đó đạn phát nổ. Còn chiếc Abrams thứ 4 tiếp tục lĩnh đòn từ tên lửa chống tăng Kornet của Nga.

Chuyên gia David Axe cũng cho rằng, nếu Ukraine tiếp tục tung xe tăng M1A1 SA Abrams vào chiến đấu, thì họ tiếp tục hứng chịu những tổn thất, bao gồm cả những tổn thất không thể khắc phục được do mìn, pháo và có thể là các xe tăng khác.

Không thể phủ nhận M1A1 SA Abrams là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực có tính năng kỹ chiến thuật tốt, nhưng không thể nói đó là phương tiện “bất khả xâm phạm” hơn bất kỳ loại xe tăng nào trong một cuộc chiến tổng lực, khi đã tiêu tốn hơn 6.000 xe tăng Nga và ít nhất 700 xe tăng Ukraine.

Do vậy theo chuyên gia Axe, chiến trường Ukraine đã đánh dấu sự thay đổi căn bản trong nhận thức của cộng đồng quốc tế về vũ khí của phương Tây. Do vậy, hãy quen với việc nhìn thấy những chiếc Abrams hay bất kỳ một loại xe tăng khác bị phá hủy và bị bỏ rơi ở chiến trường Ukraine (Nguồn ảnh: Topwar, Sputnik, CNN).

Chiếc xe tăng M1A1 SA Abrams thứ tư của Ukraine bị quân Nga phá hủy ở phía nam làng Berdychi (tây thành phố Avdeevka), tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine. Nguồn Topwar